10 tháng 9, 2013

Đường đi đến không gian xanh

Gần đây chuyện thiết kế xanh, chuyện làm nhà thân thiện môi trường, chuyện vật liệu tái sử dụng… đã trở thành trào lưu. Từ bản vẽ đến công trường, từ báo chuyên ngành đến đề tài của sinh viên trường Kiến trúc. Những chuyện thiết thân mà nghe như vẫn xa xa. Chuyện kiến trúc xanh (green building) thực chất phải được thực hiện mang tầm vĩ mô, hay ít ra đi từ xa đến gần, từ ngoài vào trong theo kiểu “chị em xa, láng giềng gần” cùng chung tay chung sức.

Xanh ngoài, xanh trong
Theo định nghĩa của Hội đồng Công trình xanh Mỹ (UCRBC) thì green building là những công trình được thiết kế và xây dựng để giảm hoặc loại bỏ tác động xấu của chúng lên môi trường và người dân trên năm lĩnh vực:
- Quy hoạch địa điểm bền vững
- Bảo vệ nguồn nước và hiệu quả nguồn nước
- Hiệu quả năng lượng tái tạo
- Bảo tồn vật liệu và tài nguyên
- Chất lượng môi trường trong nhà





Ngoài ra, công trình xanh còn đảm bảo đa dạng sinh học, bảo tồn môi trường và tài nguyên thiên nhiên, cũng như chất lượng môi trường bên trong và ngoài nhà. Đọc hết các tiêu chí kể trên thì thấy… choáng, vì xứ mình hầu như chưa đáp ứng được bao nhiêu các tiêu chuẩn ấy, chỉ là những cố gắng đơn lẻ của từng nhà từng khu từng xóm mà thôi. Chủ nhà chuẩn bị xây mới thì đang mải loay hoay với báo giá vật tư, chọn nhà thầu chọn thiết bị, mua sắm đồ đạc…, nghe chuyện làm nhà xanh có gì đó chưa thấu hiểu. Chủ nhà ở cũ thì gắn thêm cái máy nước nóng mặt trời, đưa vài chậu cây xanh vào nội thất là đã… có vẻ xanh lắm rồi! Lâu lâu tôi vẫn may mắn gặp được một số chủ nhà có đất rộng, làm nhà nhỏ gọn, có cây xanh mặt nước bao bọc như một chốn đi về được bạn bè tấm tắc mơ ước. Nhưng đó là những ngôi nhà có nhiều cây xanh, chứ không hẳn là “nhà xanh” đúng nghĩa.




 

Một màu xanh xanh chấm thêm màu gì?

Một chủ nhà nói nửa đùa nửa thật: “Em làm nhà cho anh mà bố trí nhiều bồn hoa quá là giống như… trù anh về hưu sớm đó nha”. Ủa, sao vậy? “Thì… thời gian đâu để chăm, cây cối héo úa thì còn xấu mặt hơn nữa. Rồi bồn hoa ngấm, rồi sâu bọ ruồi muỗi đủ cả”. Tại anh làm biếng và không khéo chọn loại cây phù hợp chứ bộ! Tôi cãi, và anh ấy cũng kết luận dứt khoát: “Thôi, nói gì nói, chừng nào già, có thời gian và đất rộng, có kiến thức và ham mê thì hãy lo cây cối. Bây giờ với anh, nhà thoáng mát sạch sẽ, dễ bảo quản dễ sử dụng, tiết kiệm tiền điện nước là tốt rồi”. Một chủ nhà khác lại khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Em ơi, chị mạng Mộc, trồng cây cây tốt nuôi người người xanh lắm (!?), em cho chị trong nhà nhiều nhiều… mảng màu xanh lá cây nhé!”. Nhưng khi dựng lên bảng phối màu, tôi không thể nào làm theo chị, mạng Mộc thì nhà phải toàn là “một màu xanh xanh” còn người khác mạng Thủy thì phải “một màu đen đen” mà coi cho được. Bởi sự hài hòa ngũ hành trong nhà ở cũng giống như lục phủ ngũ tạng của cơ thể con người, không thể thiếu một hành nào, cũng không thể quá thiên lệch về một hành nào. Ngoài ra còn yếu tố thời gian, một trục vận hành quan trọng cùng với không gian và con người cụ thể mà những giải pháp thiên lệch sẽ bộc lộ nhược điểm trong quá trình sử dụng lâu dài. Tôi lại nhớ hồi đi học vẽ đồ án bằng tay, hễ chỗ nào thấy không ưng ý là… chêm vô mấy cái cây với cả xe hơi, diễn họa người ngợm đi qua đi lại loăng quăng. Có tay vẽ khéo đến nỗi bài của hắn chỉ có mấy thứ “phụ kiện” ấy là đẹp, còn thì cũng… bình thường thôi, nhưng hắn luôn thoát hiểm vào phút chót nhờ được cái diễn họa cây cối! Xem ra cây xanh cũng khéo hấp dẫn thị giác và luôn là điểm an ủi người ta khi nhìn ngắm một ngôi nhà, một con đường hay một khu đô thị, dù chỉ là trên… bản vẽ.





"Nhà xanh" không khéo thành ra xanh mặt.

 Nghe nói mực nước biển thế giới sẽ còn dâng nữa theo cái đà biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, cho nên quy hoạch - kiến trúc xanh xem ra đã là thái độ ứng xử cấp thiết lắm rồi, không còn phải bàn. Nhưng trong phạm vi hẹp của xây dựng nhà ở tư nhân, tôi vẫn nghĩ rằng, làm nhà xanh không đơn giản chỉ là trồng cây quanh nhà, vài lu nước róc rách và bình gốm tiểu cảnh sắp đặt như ở resort. Mà các resort bây giờ cũng gắn máy lạnh đủ hết, các mảng xanh được chăm chút hàng ngày bởi một lực lượng chuyên nghiệp, và dĩ nhiên, chi phí phải trả của khách cũng tăng theo mức độ hoang sơ mà resort A, khu nghỉ mát B đã đánh trúng vào nhu cầu của hiện nay: tìm về thiên nhiên. Còn trong cải tạo nhà ở đô thị, nhà cho người thu nhập thấp, chung cư, nhà lô phố… thì cách đặt vấn đề có lẽ không “cao cấp” như vậy được. Theo một kiến trúc sư có kinh nghiệm, chi phí đầu tư cho một nội thất văn phòng xanh cao gấp rưỡi nội thất văn phòng bình thường, và phải đặt trong toàn cục một tòa nhà xanh, một đô thị xanh thì mới đầy đủ giá trị thực tiễn. Xem ra, những khái niệm “xanh” đang được cổ xúy hiện nay gặp nhiều trở ngại không chỉ từ kinh phí mà còn từ cản trở của toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng đang có. Thế cho nên làm nhà xanh, nếu xét đến cùng, là một điểm nút trên cái vòng luẩn quẩn của con người: mải mê khai thác tài nguyên, đi tìm tiện nghi dẫn đến hủy hoại môi trường, đến khi bị môi trường phản ứng lại thì phải lo bù đắp với chi phí cao gấp nhiều lần. Xanh phải bắt đầu từ khái niệm sử dụng, từ thái độ cư xử, từ kinh phí cho phép, từ các quy định về tỷ lệ mật độ xây dựng đến chọn lựa vật liệu, cách thức thi công, quá trình vận hành và bảo trì sửa chữa sau này. Muốn “xanh” được như thế, quả thật vẫn còn lắm gian nan. Nhưng đó là con đường tất yếu, không còn nhiều lối rẽ cho những người thiết kế và chủ nhà lựa chọn nữa. Những mảng xanh hiếm hoi trong nhà phố - chỉ mới đủ đáp ứng phần nào nhu cầu “mát mắt” trong điều kiện đất chật, người đông…



Sưu tầm bởi Akikoi

Không có nhận xét nào: