10 tháng 9, 2013

Muốn đi mãi trong vườn Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chưa khi nào tôi thấy nhà ai ở Hà Nội có nhiều cây trong vườn như thế. Chủ nhân khu vườn ấy là vị tướng huyền thoại đã làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Nhưng “đến gần” ông, tôi chỉ thấy màu của bình yên và tình yêu.



1. Ngàn lần qua đường Hoàng Diệu, một trong vài đường đẹp và cổ nhất thành Thăng Long, lần nào tôi cũng có cảm xúc phóng khoáng và suy nghiệm. Đường rợp cây cổ thụ, đi giữa hai di tích niên đại khác nhau: Hoàng thành và quảng trường Ba Đình, con đường như “lò xo thời gian” trong trí tưởng xâm chiếm vào ta đa giác quan: mùi gió đan hưởng màu xanh thế kỷ, những câu chuyện lịch sử cứ “rì rào” dưới những tàng cây. Trên con đường vừa thâm nghiêm vừa gần gũi ấy, có một con người vĩ đại được thế giới ngưỡng mộ, nhân dân kính trọng yêu thương: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Nằm trên Avenue de Pièrre Pasquier cũ (tên thời Pháp của đường Hoàng Diệu), đối diện Đoan Môn, ngôi nhà số 30 sau giải phóng thủ đô, là nơi định cư của vị tướng anh cả QĐNDVN. Người đánh thắng thực dân Pháp, rất sành ngôn ngữ và văn hoá Pháp, gắn bó đời mình, gia đình mình từ tháng 10 năm 1954 tại một công trình kiến trúc của Pháp thiết kế và xây dựng. Đã có bao nhân vật, kể cả “đối thủ” của “phía bên kia”, các nhà báo, nghệ sĩ từ Cộng hoà Pháp đến thăm ông tại đây. Chủ nhân là nhân chứng, nhân vật lịch sử, làm nên lịch sử, ngôi nhà đã và mãi sẽ là một địa chỉ lịch sử.

Từ vỉa hè, hàng rào thấp, thoáng, tầm mắt ta có thể thấy biệt thự hai tầng sơn vàng, cửa gỗ xanh, mái ngói thẫm rêu. Sát tường rào, cây mít đang lớn bên các thân sấu, xà cừ cổ thụ. Cảnh vệ trực 24/ 24h, quân phục màu lá hoà vào không gian không đạt, yên tĩnh hiếm thấy của quần thể xanh.

Từ cổng chính, lối đi lượn cong ấp ôm khu vườn tiền cảnh. Bước chậm thấy mình lâng lâng dâng lên lãng mạn và thư thái.

Sáng Chủ nhật 6/5, tôi vào đây lần đầu, sau khi đã “đến” nhiều lần, qua các bộ phim, đọc và nghe những lời kể.

Ngôi nhà của người cũng nằm trong không gian đầy kỷ niệm của cuộc đời hơn trăm năm vắt qua hai thế kỷ: quảng trường nơi đại tướng nhiều lần đứng trên khán đài chào các chiến sĩ duyệt binh, vẫy chào đồng bào, phủ Chủ tịch mà “Chú Văn” vẫn đến gặp Bác Hồ bàn việc quân việc nước, thỉnh thoảng người con rể của GS học giả Đặng Thai Mai lại trò chuyện văn chương, nghệ thuật với nhà thơ Hồ Chí Minh. Xa hơn một chút, phía đường Thuỵ Khuê, là Trường Chu Văn An, Trường Bưởi ngày nào Võ Nguyên Giáp học tú tài.



2. 9h30 sáng, cơn mưa ào tới, khu vườn được “tắm” 30 phút, trở nên tươi mát, rạng rỡ hơn. Đất nền ướt, thuận cho 10 công nhân Công ty Công viên cây xanh chăm vườn. Khoảng đất rộng thay cỏ xanh, họ mang đến các bao tải dựng đầy cỏ tóc tiên, cặm cụi trồng.


Đứng trước khu vườn có tiền cảnh là hồ nước nhỏ, ông Võ Điện Biên giới thiệu cho tôi “lý lịch” cây: kia là xà cừ cổ thụ, 2 cây gạo có từ trước, những cây “mới” hơn: đa, 2 cây xoài, mít rồi nhãn, vàng anh. Lại có mấy cây gỗ lát do Trường Lâm nghiệp tặng.

Trước cổng vào biệt thự, bên phải có chầu nghê đá, kế tiếp bên rùa đá, là khối gỗ hoá thạch ông Điện Biên mua từ Bình Thuận. Cũng có một khối như thế mua từ Gia Lai, đặt giữa vườn hồng, xen cây ngâu và hàng cây mộc ngang thân người. Biệt thự được bao bọc bởi cây và hoa. Phòng lưu niệm, phòng tiếp khách, tách riêng và dãy 8 phòng phía sau chỗ ở của đội phục vụ cũng đan nối bằng cây, hoa. Dạo bên cây, bước giữa xanh, lạc trong hương, diệp lục bung thở sức sống trên đầu, từng tầng cây reo tiếng chim ríu rít. Qua giàn phong lan, lại gặp một giàn hoa khác, dưới đặt bộ bàn ghế đá granito, một bàn bốn ghế có tựa, nơi đại tướng ngồi nghỉ, ngắm vườn sau lúc dạo; bàn chuyện với cộng sự, đôi lúc tiếp khách, tiếp văn nghệ sĩ.

Từ ngôi nhà nhiều cửa sổ này, góc nào mở ra mắt cũng chạm xanh. Những khoảng không vườn cây trên miền đất lành, đầy sức sống.

Trong nhà, luôn có hoa và âm nhạc. Lúc khoẻ, đại tướng vẫn chơi dương cầm. Ông học đàn từ 1964 với cô giáo Hồng Hạnh và học nhạc với nhạc sĩ Tô Vũ. Sách hẳn nhiên rất nhiều, đại tướng và phu nhân không chỉ ham đọc, mà còn viết sách, lại được tặng vô cùng nhiều sách, trong đó có sách về đại tướng. Ông bà theo khoa học xã hội, nhưng các con lại theo khoa học tự nhiên. PGS Đặng Bích Hà (1928), phu nhân đại tướng, là con gái cả của nhà văn hoá Đặng Thai Mai (quê Thanh Chương, Nghệ An). Thân mẫu của bà là người Quỳnh Lưu đất học lẫy lừng. Nay con dâu cả của đại tướng, cô Hồ Hương cũng là con gái Quỳnh Lưu. Đại tướng và phu nhân Đặng Bích Hà có 4 con: Võ Hoà Bình (1951), Võ Hạnh Phúc (1952), Võ Điện Biên (1954), Võ Hồng Nam (1959).



3. Thời gian trải bao mùa nơi khu vườn yên tĩnh. Thời gian, thứ quý nhất không nhìn thấy được, chỉ biết sự “đi qua” của nó bằng dấu vết tuổi tác ở người, ở cây và thâm niên đồ vật. Khế đã rụng hoa, bưởi Diễn đang kết quả. Cao nhất là 11 cây cau vua, hồng xiêm ương trái, chanh, vải mới nhú bằng hòn bi ve. Tán thấp là những khóm lan vàng, tím, lan ý, đua màu với những giò lan đong đưa. Đang ngắm vườn, thì gặp một phụ nữ chừng 50 tuổi ra cắt rau. Tôi nhìn xuống, ồ, rất nhiều rau ở “tầng thấp nhất” – sát đất.


Ngải cứu, rau muống, dền, cải xanh, hẹ, khoai lang, rau thơm, tía tô, húng chó. Người phụ nữ ấy là cô Thu, quê Phú Xuyên, đã làm giúp việc cho gia đình con út đại tướng được 7 năm. Dẫn tôi thăm vườn, cô khoe: “Tất cả rau do tôi trồng hết. Cả vườn hồng phía trước và số cây kim giao này nữa. Gỗ kim giao thời xưa làm đũa cho vua, chúa, đũa chống độc đấy, anh Nam rất quý cây này, ai thân xin, nể lắm anh mới cho một cây”. Những luống kim giao 30 cm mọc tươi tốt, lại có những cây kim giao cao bằng người.

Con dâu út đại tướng, cô Mạc Thuý Hường là con gái út của đại tá Mạc Ninh. Cô rất tự hào về cuộc đời binh nghiệp của cha, cùng niềm kiêu hãnh về bố mẹ chồng. Da trắng mịn, phong thái hiện đại, cô Mạc Thuý Hường giữ được nhan sắc tuổi 52 tươi sáng và thanh thoát, cô cùng chồng Võ Hồng Nam chăm chơi thể thao. Họ có 2 con trai Võ Hoài Nam (1984) đã tốt nghiệp ĐH ở Anh, nay là doanh nhân, Võ Thành Trung đang học kinh tế tại ĐH San Francisco (Mỹ). Cô Hường sau khi học ĐHKTQD, làm ở Viện Quản lý kinh tế Trung ương rồi chuyển qua kinh doanh. Cô từng theo chồng sang sống ở Hungary và sinh con trai thứ hai ở Budapest.

Sống cùng gia đình hai người con trai (từng phục vụ trong quân đội), đại tướng và phu nhân, lớp người thế hệ trước giữ nếp gia phong mà lịch sự, dân chủ của những người rành văn hoá châu Âu. Đại tướng có làm thơ, ưa dạo vườn, tưới cây. Cô con dâu út rất yêu quý ba mẹ chồng và được thương mến lại. “Mỗi lần vào thăm ba, ba vẫn gọi tên Hường. Mẹ thì đã 84 tuổi, bị lãng tai và đôi lúc lẫn. Nhà vắng ba, càng phải quan tâm mẹ nhiều hơn” – cô Hường tâm sự.

Ngắm những con cá chép Nhật đỏ vành (cá Koi) lững lờ bơi, trong bể quây đá, có “thác nước” tràn xuống qua tán cây, tự dựng tôi ước: “Giá mà con người có thể thảnh thơi như đàn cá này”. Đây là bể cá của Công ty Akikoi liên doanh Nhật Bản mà cháu nội Hoài Nam tặng đại tướng khi ông nội 100 tuổi.

4. Gió thoảng mùi hoa đại. Nhài, ngọc bút – các cây đang rộ màu hoa trắng. Mé vườn bên trái, 3 cây đào đang lên xanh. Xuân nào đào cũng nở, cả bích lẫn phai. Khu vườn như mảnh rừng nhỏ yên tĩnh giữa trung tâm thủ đô, giúp đại tướng vơi nhớ những khu rừng ông gắn bó nhiều năm gian khổ chỉ huy các chiến dịch. Loạt phim Khát vọng Tây Bắc (21 tập, tổng đạo diễn NSƯT Vi Hoà), có một tập dành làm về khu rừng Mường Phăng, nền nhạc là bài hát do NSND Tường Vy sáng tác và thể hiện cùng hợp xướng thiếu nhi học sinh của bà. Rừng Mường Phăng vẫn được già Poong, người dân tộc Thái hơn 80 tuổi trông giữ, già Poong từng là liên lạc viên của tướng Văn. Già không xa rời khu rừng huyền thoại ấy, già quý trọng đại tướng và nguyện dành trọn đời giữ rừng.

Những năm kháng chiến, đại tướng đã đặt tên cho 2 con gái “Hoà Bình, Hạnh Phúc”, ước mơ của ông cho dân tộc VN. Vì lẽ ấy, ông đã sống một cuộc đời dâng hiến. Người anh hùng vĩ đại đã đi vào lịch sử quân sự thế giới, chỉ có một khát vọng suốt đời binh nghiệp là giành được tự do, bình yên cho nhân dân. Khu vườn này, cũng làm đại tướng như “nối gần” quê mình. Ở đó ngôi nhà mái lá hai lần bị giặc Pháp đốt, đã được dựng lại, lợp ngói; đường vào là hàng rào cây được cắt tỉa đẹp, vườn ăn trái bao quanh. Đại tướng không có điều kiện thường xuyên về quê, nhưng các con cháu vẫn thường trở lại quê gốc làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Quê hương kiêu hãnh có Võ Nguyên Giáp. Và ngôi nhà, khu vườn họ Võ nơi quê hương đã và sẽ là điểm đến của nhiều khách tham quan trong và ngoài nước.


Sưu tầm bởi Akikoi

Không có nhận xét nào: